• Home
  • Xe Cổ
  • Xe Lambretta cổ – Mẫu xe đình đám cuối thập niên 40

Xe Lambretta cổ – Mẫu xe đình đám cuối thập niên 40

Nhắc đến xe Lambretta cổ có lẽ không quá nhiều người cảm thấy mới lạ. Bởi lẽ, nó là một mẫu xe đã từng nổi đình nổi đám trên thị trường xe scooter cách đây hơn 70 năm. 

Lịch sử hình thành và phát triển dòng xe Lambretta cổ

Chiếc Lambretta đầu tiên được sản xuất vào năm 1947. Từ “Lambretta” được bắt nguồn từ tên con sông nhỏ ở Milan – Lambro. Được biết, dòng xe Lambretta ra đời do nhận được sự kích thích từ những chiếc xe scooter màu oliu Cushman đến từ nước Mỹ. Những chiếc Cushman này đã từng được chính phủ Ý nhập số lượng lớn nhằm phục vụ cho hải quân và lính nhảy dù. Có lẽ kinh phí để nhập những mẫu xe này đã là động lực để nước Ý tự sáng chế ra mẫu xe scooter của riêng mình. 

Lúc này, tướng Corradino D’Ascanio, kỹ sư hàng không, đã nhận được lệnh từ Ferdinando Innocenti rằng phải tạo ra được một mẫu xe đơn giản, giá cả phải chăng và phải phù hợp với mọi người ở mọi giới tính cũng như độ tuổi. 

Nhận được chỉ thị, D’Ascanio đã dựa trên mẫu xe Cushman mà thay đổi một vài chi tiết. Cụ thể, thiết kế của D’Ascanio được thiết kế trên một khung đòn, động cơ xe được gắn trực tiếp vào bánh sau, số ở tay cầm cũng đã được thay đổi. Khu vực để chân được thiết kế khá thoáng để nữ giới có thể ngồi được vì họ thường hay mặc váy. 

Phần phuộc trước thì được thiết kế giống như thiết bị hạ cánh của máy bay để có thể đổi bánh dễ dàng hơn. Hệ thống truyền động không sử dụng sên xe để không xảy ra tình trạng dầu mỡ, bùn đất.

Tuy nhiên thiết kế này lại không được Innocenti đồng ý. Với sự bất đồng quan điểm này, D’Ascanio đã rời khỏi và đem mẫu thiết kế này đến cho Enrico Piaggio, người đã sản xuất ra mẫu Vespa có khung đòn từ những năm 1946. 

Lịch sử hình thành và phát triển xe Lambretta
Lịch sử hình thành và phát triển xe Lambretta

Một năm sau, năm 1947, chiếc Lambretta đầu tiên đã ra đời. Phiên bản đời đầu này đã có những trang bị cơ bản như chỗ ngồi có nệm, khoang chứa đồ…  Khối động cơ xe Lambretta sử dụng là động cơ 2 thì, dung tích từ 49 – 198cc và sử dụng hộp số 3 hoặc 4 cấp. Phần khung xe sử dụng khung ống cứng hơn so với khung sườn đơn từ thép của những dòng xe Vespa cổ. 

Sau đó, Lambretta cũng được sản xuất tại nhiều nước như Brazil, Argentina, Ấn Độ, Chile và Tây Ban Nha. Tuy nhiên, ở mỗi nước khác nhau sẽ có một cái tên khác nhau. Ví dụ như ở Tây Ban Nha nó có tên là Serveta hay ở Nam Mỹ nó có tên là Siambretta.

Đến năm 1960, do xe hơi cỡ nhỏ phổ biến hơn nên nhu cầu dành cho scooter này bị sụt giảm khá nhiều. Điều này đã khiến vấn đề tài chính của Lambretta gặp phải vấn đề nghiêm trọng. Cuối cùng Lambretta đã được bán cho British Leyland Motor Corporation (BLMC). Tuy nhiên do thiếu tầm nhìn xa nên doanh số bán hàng Lambretta đã xuống dốc. Lambretta đã bị đóng cửa vào năm 1972. Từ năm 1972 trở đi, Lambretta đã thuộc quyền sở hữu của Scooter India Ltd (SIL).

Mặc dù thuộc quyền sở hữu của SIL nhưng tại ngôi làng nhỏ Rodano ở gần Milan vẫn có một viện bảo tàng lưu trữ những hiện vật của Innocenti và Lambretta. Không những vậy, các câu lạc bộ Lambretta tại Anh và Châu Âu vẫn còn tồn tại. Những mẫu xe Lambretta cổ được bán với khá cao. Ví dụ như mẫu LI 150 series 2 được bán với giá 5.950 USD (khoảng 138 triệu đồng). Mẫu xe cổ hơn như TV200 thì có giá bán tới 23.750 USD (khoảng 550 triệu đồng)

Một vài dòng xe Lambretta cổ

Lambretta 125M (1947)

Lambretta 125M
Lambretta 125M

Lambretta 125M hay còn được biết đến với cái tên Model A. Mẫu đời đầu này chưa từng được xuất khẩu sang các nước khác. Mẫu này sử dụng khối động cơ 125cc, hộp số 3 cấp cùng lẫy chuyển số bằng chân. Khối động cơ này được làm mát bằng không khí. Để có thể “đụng chạm” được khối động cơ này thì các bạn chỉ việc tháo 2 bu lông khỏi hộp công cụ và yên xe. 

Mẫu xe này không có hệ thống phuộc sau. Phuộc trước lại chỉ là một khối cao su chống rung. Phần tay lái thì được thiết kế dạng ngược giống nhiều mẫu xe hiện nay. Các dây cáp được nối với van tiết lưu dạng hình xoắn ốc.

Bánh xe có 3 lỗ để kết nối với vành trên trục có kích thước là 3.5 x 7 inch. Vì vậy, mỗi khi muốn tháo bánh ra để thay bánh khác, người dùng sẽ phải xì hết hơi trong bánh. Điều này khá là bất tiện.

Tuy nhiên, thay vào đó, chiếc xe này lại có khá nhiều chi tiết được mạ crom cùng màu xe tươi sáng nên đã khiến mẫu Lambretta được nhiều người đón nhận.  

Lambretta 125B (1948 – 1950)

Lambretta 125B
Lambretta 125B

Rút kinh nghiệm từ Model A, Innocenti đã cho ra mắt Model B với nhiều cải tiến hơn. Nhìn thoáng qua thì chiếc xe này trông khá giống với Model A nhưng phần động cơ đã có chút thay đổi. Cụ thể, ở động cơ đã có khớp nối với hệ thống treo lò xo khiến xe êm ái hơn. Về phần dây cáp thì đã được thiết kế chạy dọc phía bên ngoài tay lái để có thể dễ dàng điều chỉnh và sửa chữa. 

Bánh xe cũng đã được nâng kích thước lên từ 3.5 x 7 inch thành 3.5 x 8 inch khiến việc di chuyển mượt mà hơn. Chỗ để chân có phần lớp lót được làm bằng thép. Các phụ kiện đi kèm xe gồm yên ghế sau, hộp dụng cụ. 

Lambretta 125C (1950 – 1951)

Lambretta 125C
Lambretta 125C

Đây được coi là mẫu xe mở ra một kỷ nguyên mới cho xe scooter bởi nó sử dụng bộ khung nền tảng cho những mẫu xe khác. Cụ thể, khác hai phiên bản đàn anh, mẫu 125C sử dụng khung thép hình ống. Về hệ thống treo cùng động cơ thì trang bị giống với Model B nhưng có một vài thay đổi nhỏ. Theo đó, Model B sử dụng chắn bùn để hỗ trợ bánh trước thì Model C lại sử dụng dĩa cùng lò xo riêng biệt cho các dĩa. Chính trang bị này đã khiến xe hoạt động êm ái hơn.  Kích thước lốp cũng được tăng lên từ 3.5 x 8 inch thành 4 x 8 inch khiến việc vào cua dễ dàng hơn và bám đường hơn.

Lambretta 125D Series II (1953 – 1954)

Lambretta 125D
Lambretta 125D

Model 125D Series II là mẫu xe có những sự cải tiến rõ rệt về hệ thống phanh. Cụ thể, phanh sau được điều khiển bằng cáp. Các chi tiết khác vẫn giữ nguyên giống như các đàn anh. Theo đó, xe vẫn sử dụng hệ thống bánh răng Teleflex và động cơ được làm mát bằng không khí. 

Lambretta 150 LD Series II (1954 – 1957)

Lambretta 150 LD Series II
Lambretta 150 LD Series II

Đây là một phiên bản khá phổ biến tại nước Anh. Do có dung tích lớn hơn nên giá của chiếc 150 LD đắt hơn so với dòng 125 LD. Tỷ lệ thuận với đó là mạnh mẽ hơn và chở được nặng hơn. Mẫu xe này cũng là một cuộc cải cách hoàn toàn cho dòng Lambretta bởi nó có thiết kế bao bọc lấy những chi tiết bên trong chứ không để lộ khiến những chi tiết được bảo quản tốt hơn. Một điểm nổi bật của phiên bản này đó là trên xe đã bắt đầu gắn logo thương hiệu với hai màu xanh trắng, số “150” thì được làm bằng vàng. Những dây cáp thì đã được bọc bởi một lớp cao su màu xám. 

Lambretta TV 175 Series II (1959 – 1961)

Lambretta TV 175 Series II
Lambretta TV 175 Series II

Sau sự cố với phiên bản TV Series I, mẫu TV 175 Series II đã sử dụng động cơ của LI nhưng nâng dung tích lên thành 175cc cho công suất lên tới 70 dặm/giờ (khoảng 113 km/h). Tỷ lệ thùng, piston, trục khuỷu và hộp số cũng đã được thay đổi. Phuộc trước thì được trang bị thêm giảm xóc bên ngoài nhằm tăng thêm sức mạnh. Logo Lambretta TV 175 được mạ đồng thau và gắn trên thân xe bằng những con ốc chứ không phải dán như trước. 

Trên đây là một vài thông tin về xe Lambretta cổ như lịch sử phát triển và một vài mẫu xe. Với những thông tin này, chắc hẳn các bạn đã có một cái nhìn tổng quan và hiểu hơn về dòng xe đã từng nổi đình nổi đám trên thị trường xe. 

Click Here to Leave a Comment Below 0 comments

Leave a Reply: